Đăng bởi Để lại phản hồi

Tác hại và giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa

Mỗi năm, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường – nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu – và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Sau khi đem lại tiện ích trong ít phút, những chiếc túi nilon, cốc nhựa, ống hút… sẽ bị vứt bỏ ra môi trường và phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy. Vì vậy, nếu không có những biện pháp cấp bách kịp thời, sự tồn tại của chúng trong tự nhiên sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như sức khỏe con người.

Tính trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Túi nilon hiện diện khắp nơi trong đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số chúng đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và đích đến cuối cùng phổ biến của chúng, không phải các cơ sở tái chế hay xử lý, mà là biển và đại dương, “góp phần” đáng kể vào hơn 8 triệu tấn nhựa mà dân cư toàn thế giới đổ ra đại dương mỗi năm!

Rác thải nylon đe dọa nghiêm trọng đến môi trường bởi rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên.

Rác thải nhựa, trong đó có túi nilon tấn công môi trường biển, không còn là mối đe dọa, mà đã thực sự gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Tác hại nguy hiểm nhất của rác nhựa chính là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật…

Hàng triệu tấn chất thải nhựa sẽ tiếp tục tồn tại hàng thế kỷ dưới đại dương, gây tổn thương hệ san hô, làm biến đổi môi trường sống và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Hiện nay, những “đại dương ngập rác” đã giết chết 1,5 triệu động vật mỗi năm và loài người vẫn chưa có giải pháp nào xử lý được. Chúng cũng làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, gây độc hại cho môi trường. Khi bị đốt, chúng tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan – những chất tồn tại lâu dài và kịch độc đối với sự sống.

Các mặt hàng khi bán thường được đựng trong núi nilon.

Với vô số hiểm họa tiềm tàng cũng như hiện hữu, nhưng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa vẫn tồn tại và tích tụ trên hành tinh, đã và đang dẫn loài người tới thảm họa “ô nhiễm trắng”, từng bước hủy diệt sự sống.

“Nếu bạn không thể tái sử dụng chúng, hãy từ chối chúng!”. Ông Erik Solheim, người đứng đầu của cơ quan môi trường Liên hợp quốc, đã kêu gọi người dân trên toàn thế giới cùng hành động để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. 

Rõ ràng, tác hại của nhựa và túi nilon đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, con người chưa thể dùng các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn loại vật liệu này. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon và các sản phẩm bằng nhựa đã gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân, được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi.

Những sản phẩm sản xuất thân thiện với môi trường.

Không thể thay thế, nhưng chúng ta có thể thay đổi. Các tổ chức môi trường quốc tế cũng như nhiều quốc gia đang kêu gọi người dân hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nilon. Trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Có thể sử dụng thay thế chúng bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường như: túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy, túi dệt từ sợi nilon sử dụng nhiều lần…

Tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa thúc đẩy sáng tạo. Ví dụ, chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát, hoặc làm đồ trang trí như ống cắm bút, chậu hoa… Việc tái chế này hoàn toàn đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà.

Một em nhỏ bơi trong bể tràn ngập chai nhựa, một biểu tượng của chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa đối với đại dương, tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang tích cực hành động mạnh mẽ. Về mặt luật pháp, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014), các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.

Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương.

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa; rà soát để đề xuất việc hoàn thiện các quy định, chính sách hiện hành nhằm hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường; phân loại rác tại nguồn; thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến, tái sử dụng, tái chế rác thải, rác thải nhựa; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là các địa phương có biển để triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường biển.

Mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy gạo” ở xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Các bộ, ngành, địa phương đã hiện thức hóa chủ trương, chính sách bằng nhiều chương trình, dự án giảm rác thải nhựa trên cả nước, hướng đến mục tiêu chung: toàn cầu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Tháng 6/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trong toàn dân. Từ đó, hàng loạt địa phương, đơn vị đã ban hành và triển khai hàng loạt chương trình hành động giảm thiểu, nói “không” với rác thải nhựa…

Chỉ sau 1 năm phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, những hành động nhỏ khắp nơi đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp. 

Dễ nhìn thấy nhất là tại các nhà hàng ăn uống, cửa hàng thời trang, nông sản… ở khắp nơi trên cả nước. Danh sách các cửa hàng xanh chia sẻ cam kết với môi trường ngày càng được nối dài với việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy hoặc sử dụng nhiều lần. Đặc biệt, nhiều cửa hàng giải khát đã dùng chai thủy tinh thay cốc nhựa, ống hút sản xuất từ mía, cỏ, giấy, inox, sử dụng cốc giấy cho sản phẩm mang đi…

Trong các trường học, bước đầu tạo thành ý thức cho mỗi học sinh nhờ việc không còn bắt buộc phải dùng giấy nilon bọc sách, vở. Học sinh đã biết đến tác hại của chất thải nhựa, tự rèn ý thức gọn gàng, giữ gìn sách, vở, đồ dùng học tập. Phong trào vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy… để đổi cây xanh hoặc cây trang trí được nhiều nơi thực hiện. 

Ra đến chợ, nhiều người thay đổi khi dùng làn, túi vải để giảm thiểu phải sử dụng túi nilon dùng một lần. Bà Trần Thị Thuyên (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Những người có tuổi như tôi cùng rủ nhau mang làn đi chợ, vừa đựng được nhiều đồ, vừa bớt được lượng túi nilon, giảm ô nhiễm môi trường. Tới đây, tôi được biết nếu xả rác thải nhiều sẽ phải trả nhiều tiền. Như thế, mình tiết kiệm dần là vừa”. 

Phụ nữ nhiều nơi thực hiện các sáng kiến, hành động phù hợp với điều kiện thực tế như phụ nữ Bến Tre vận động tiểu thương ở chợ cam kết hạn chế sử dụng túi nilon truyền thống và thay thế bằng túi nilon tự hủy sinh học. Phụ nữ Quảng Ninh hạn chế sử dụng rác thải nhựa dùng một lần, phân loại rác, tái chế, thu gom chai nhựa, túi nylon đã qua sử dụng để làm vật liệu xây dựng, ghế, bồn hoa sinh thái, túi xách, lẵng hoa, đồ chơi. Phụ nữ thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã tái chế được 2.500 thùng đựng rác sinh hoạt hợp vệ sinh từ những thùng xốp, thùng sơn cũ. 

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã “nói không với rác thải nhựa” bằng việc sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa tại hội nghị, hội thảo. Các địa phương đã chủ động, sáng tạo để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn với những mô hình “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Hãy cho cá xin rác thải nhựa”, “Thử thách dọn rác”, “Thử thách thay đổi”… lan truyền mạnh mẽ mang những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường. 

Thu Hạnh – Minh Nguyệt – Kỳ Thư (tổng hợp)
Ảnh: TTXVN
Trình bày: Quốc Bình

Đăng bởi Để lại phản hồi

Anh Chàng Chuyên Kinh Doanh Các Sản Phẩm Thân Thiện Môi Trường

Nguyễn Hoàng An Khương (Năm cuối, khoa Hàn Quốc học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) hiện đang điều hành công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường do mình sáng lập.

Đến với kinh doanh từ hoạt động thiện nguyện

An Khương hiện cũng là Chủ nhiệm CLB Tình nguyện Heart To Heart. Khương cho biết, CLB Tình nguyện Heart To Heart (thuộc khoa Hàn Quốc học), được thành lập từ năm 2013 và đến nay có hơn 40 thành viên. Trong những năm qua, câu lạc bộ  đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện hướng đến các đối tượng như nhà già neo đơn, trẻ em, người lang thang cơ nhỡ, các hộ nghèo, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Những những năm gần đây, câu lạc bộ mở rộng tuyến hoạt động về môi trường, xây dựng Nông thôn mới. Tính đến nay, câu lạc bộ đã sửa chữa được 1 tuyến đường giao thông nông thôn, 3 hệ thống đèn đường tại Huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cùng hơn 40 hoạt động khác, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng.An Khương (trái) điều hành CLB Tình nguyện Heart To Heart.

Từ khi hoạt động tại câu lạc bộ tình nguyện, Khương đã có nhiều cơ hội tiếp cận các vấn đề về môi trường cũng như nhận thấy rõ các tác hại của rác thải nhựa đến môi trường tự nhiên. Vì lý do này, Khương bắt đầu tìm hiểu đến các vật liệu, các sản phẩm có thể thay thế nhựa. Cùng với niềm đam mê kinh doanh từ nhỏ, Khương đã tìm đến các cơ sở sản xuất ống hút tre để tìm mua và bán lại. Công việc này tiếp tục phát triển và Khương dần hình thành được thương hiệu. Khương đã thành lập công ty TNHH The Greenmart VietNam chuyên cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút tre, ống hút cỏ bàng, bàn chải tre, cốc tre…Khương trong ngày ra mắt công ty do mình sáng lập.

Anh chàng chuyên kinh doanh các sản phẩn thân thiện môi trường ảnh 2

 Kiên định mục tiêu kinh doanh “sản phẩm sống xanh”

Khương theo học khoa Hàn Quốc học nên từ cuối năm thứ ba, anh đã tìm công việc part-time liên quan đến chuyên ngành mình học và may mắn Khương được nhận làm việc tại một Trung tâm Tư vấn du học Hàn Quốc. “Tại đây, mình được phân công phụ trách mảng marketing. Công việc này giúp mình học được nhiều thứ, chủ động tìm tòi học hỏi nhiều hơn và nó cũng giúp mình vận dụng cho việc marketing của công ty riêng ở thời điểm hiện tại”, Khương bộc bạch.

Cũng như nhiều sinh viên khác khi thử sức kinh doanh, Khương cũng phải đối mặt với vấn đề tài chính và pháp lý. Làm sao để công ty duy trì hoạt động là một bài toán rất khó với một sinh viên khối ngành ngôn ngữ như Khương, nhưng nhờ sự hỗ trợ một phần từ phía gia đình, đến nay mọi thứ đang đi vào ổn định.

“Vấn đề vận hành cũng là một khó khăn lớn đối với mình, điều này buộc mình phải tự tìm hiểu cũng như tìm đến những anh chị có chuyên môn để nhờ tư vấn sâu hơn. Mình luôn tin rằng mọi khó khăn đều có cách giải quyết và người có thể giúp mình tháo gỡ khó khăn đó không ai khác là chính bản thân.

Vì thế, mình luôn cố gắng tự giải quyết các vấn đề. Trên thực tế, khi quản lý công ty, mình luôn dự tính trước mọi tình huống có thể xảy ra để giảm đến mức thấp nhất các rủi ro”, Khương bày tỏ.Các hoạt động thiện nguyện giúp Khương có thêm kinh nghiệm trong việc điều hành công ty hiện tại.

Do công ty cũng mới được thành lập nên doanh thu chỉ ở mức khá, ở giai đoạn đầu này, toàn bộ lợi nhuận sẽ được Khương tiếp tục đẩy mạnh vào mảng tiếp thị sản phẩm và xây dựng hình ảnh thương hiệu. “Hiện tại, sản phẩm thu hút được sự quan tâm của hầu hết khách hàng là ống hút tre, ống hút cỏ bàng và túi lá sen khô… bởi đây là các sản phẩm vừa độc đáo, vừa giúp thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Mỗi sản phẩm sẽ có tập đối tượng khách hàng khác nhau nhưng đa phần hướng đến người trẻ – đây là những đối tượng sẵn sàng và tiên phong tiếp cận đến lối sống xanh trong tương lai”, Khương chia sẻ.Trong bốn năm trên giảng đường, Khương tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện.

Anh chàng chuyên kinh doanh các sản phẩn thân thiện môi trường ảnh 5

 Vừa kinh doanh, vừa điều hành câu lạc bộ, với Khương, đây lại là một lợi thế. Khương cho biết: “Về bản thân, những kinh nghiệm về quản lý như quản lý nguồn nhân lực, quản lý tài chính rút ra khi hoạt động trong câu lạc bộ là nền tảng giúp mình điều hành công ty một cách có kế hoạch hơn.

Ngoài ra, trong các chương trình về môi trường mà câu lạc bộ tổ chức, công ty của mình cũng sẽ là nhà tài trợ các “sản phẩm xanh”, điều này không những tạo nên thành công cho chương trình mà còn mang các sản phẩm thân thiện môi trường tiếp cận nhiều hơn đến các bạn sinh viên.

Có thể nói, vừa kinh doanh, vừa điều hành câu lạc bộ mang đến lợi ích kép cho cả công ty và câu lạc bộ”. Khương cảm thấy bản thân may mắn khi tìm thấy cơ hội kinh doanh từ chính các hoạt động tình nguyện.

Anh chàng chuyên kinh doanh các sản phẩn thân thiện môi trường ảnh 4

Tương lai, Khương sẽ tiếp tục mở rộng thị trường và đa dạng hóa các sản phẩm của mình. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển công ty theo mô hình siêu thị xanh.

Theo Hà Chi – Báo Tiền Phong

Đăng bởi Để lại phản hồi

Người Mắc COVID-19 Có Thể Phát Bệnh Nặng Hơn Vì Ô Nhiễm Không Khí

Một số nghiên cứu mới chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có thể khiến tình trạng của bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng hơn.

Người mắc COVID-19 có thể phát bệnh nặng hơn vì ô nhiễm không khí - Ảnh 1.
Người dân lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ – Ảnh: REUTERS

Nghiên cứu mới được thực hiện tại một trong những thành phố ô nhiễm nhất nước Mỹ cho thấy không khí ô nhiễm góp phần khiến tình trạng của người mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn.

Theo Hãng tin Reuters ngày 13-7, nghiên cứu trên do các bác sĩ của Bệnh viện Henry Ford thuộc thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ thực hiện.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 2.038 người trưởng thành nhập viện vì COVID-19 tại Detroit. Họ phát hiện những người cần chăm sóc đặc biệt và dùng máy trợ thở phần lớn đến từ các khu dân cư có mức ô nhiễm không khí cao và sử dụng sơn tường có chứa chì.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại địa phương càng nghiêm trọng, khả năng bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt và phải dùng máy thở càng cao.

Bác sĩ Anita Shallal của Bệnh viện Henry Ford cho biết việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian dài có thể gây suy giảm hệ miễn dịch, khiến hệ miễn dịch giảm khả năng phản ứng với sự xâm nhập của virus.

Các hạt bụi nhỏ trong bầu không khí ô nhiễm cũng có thể trở thành vật bám cho virus và giúp chúng lây lan.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/nguoi-mac-covid-19-co-the-phat-benh-nang-hon-vi-o-nhiem-khong-khi-2021071309441121.htm

Đăng bởi Để lại phản hồi

Làng Nghề Đan Lát Lục Bình Tại Đồng Tháp

Thời gian qua, nghề thủ công truyền thống đan lục bình (còn gọi là bèo tây) đã trở thành thương hiệu nổi bật, được nhiều người biết đến của vùng đất Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tranh thủ những lúc nông nhàn, nhiều hộ dân ở Cao Lãnh đã tận dụng các bãi bồi ven sông để trồng và đan lục bình, cho thu nhập rất ổn định.

Đây là nghề thủ công mà ai cũng có thể làm được, nếu nhanh nhẹn thì chỉ trong một tuần học nghề là có thể thực hiện những sản phẩm đơn giản. Hằng ngày, người thợ đến cơ sở để làm công với mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/tháng hoặc có thể nhận sản phẩm về nhà làm với tiền công từ 25 – 30 ngàn đồng/sản phẩm tùy loại.

Những sản phẩm từ lục bình chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng của các công ty ở tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… để xuất khẩu đi nước ngoài. Theo đó, các công ty này gửi mẫu là các khung sắt được làm sẵn, người thợ chỉ đan theo yêu cầu rồi gửi thành phẩm về công ty. Ngoài ra, các cơ sở còn chủ động nghiên cứu các mẫu mới để giới thiệu sản phẩm với công ty rồi hợp đồng làm. Các mặt hàng thủ công được các cơ sở làm như: sọt, thảm, bàn ghế và một số sản phẩm dùng để trang trí nội thất.

Nghề đan lục bình đã giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Lục bình tươi sẽ được phơi nắng từ 5 – 7 ngày mới đạt được độ dẻo theo tỉ lệ 12 kg lục bình tươi bằng 1 kg lục bình khô.

Trước khi làm ra sản phẩm, người thợ phải ngâm lục bình trong nước chừng 5 phút để khi đan sợi lục bình không bị gãy.
Người thợ đang hoàn chỉnh đường đan cuối cùng của sản phẩm.
Công đoạn sửa sản phẩm rất quan trọng, vì vậy việc này thường do những người thợ lành nghề thực hiện.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, chủ cơ sở đan lục bình Út Nương ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh thì hiện nay có 30 tổ (1 tổ từ 25 đến 30 người) đang nhận gia công sản phẩm lục bình cho cơ sở của chị.
Theo những người làm nghề lâu năm thì cách đan lục bình chủ yếu là: hạt gạo, lồng tôm, zich-zac…
Nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ nghề nuôi lục bình.
Vận chuyển sản phẩm được đan từ lục bình…
Một số sản phẩm được đan từ lục bình

Theo Hữu Tài (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)

https://dangcongsan.vn/anh/nghe-dan-luc-binh-o-dong-thap-536266.html

Đăng bởi Để lại phản hồi

Voi Hoang Dã Tìm Thức Ăn Trong Bãi Rác Ở Sri Lanka

Nhiếp ảnh gia Tharmaplan Tilaxan ở Jaffna, Sri Lanka, đã chụp được một loạt ảnh chụp nhanh ghi lại cảnh những con voi hoang dã đang tìm kiếm thức ăn trong một bãi rác lộ thiên nằm bên cạnh một khu rừng rậm gần đó.

Năm 2018, chuyên gia về voi châu Á Jayantha Jayewardene nói với AFP rằng hàng trăm con voi bản địa của Sri Lanka được cho là kiếm ăn nhờ chất thải và bị ốm bởi những gì chúng ăn vào trong quá trình này.Nhựa và các vật liệu độc hại khác đã được phát hiện trong phân của voi trong khu vực này, khiến các chuyên gia động vật lo lắng.

Jayewardene nói: “Những con voi đang bị ốm do ăn phải nhựa. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có bằng chứng khám nghiệm tử thi về việc polythene gây ra cái chết, nhưng đây là một mối quan tâm thực sự.”

Theo People.com

Hình ảnh: Tharmaplan Tilaxan