“Sông rạch bây giờ chai lọ, ống hút bằng nhựa, túi ni-lông nhiều hơn tôm cá, dân chài lưới tụi tui nhiều người đã muốn bỏ nghề”, ông Út bùi ngùi nói.
Rác thải nhựa bao vây
Mới sáng sớm đã thấy ông Út ngồi nhâm nhi ly cà phê đen ở quán cóc đầu rạch Cái Sơn, nét mặt đăm chiêu. Thấy lạ, mấy ông bạn già xúm lại, hỏi: “Ủa, mọi hôm hừng đông đã thấy ông lặn ngụp dưới sông, sao bữa nay sáng bảnh mắt còn ngồi đây uống cà phê?”. Nghe bạn già hỏi thăm, ông Út cười buồn, nói: “Nghỉ xả hơi vài bữa, lúc này làm ăn bết bát quá”.
Ở xứ Cái Sơn, ông Út chuyên nghề hạ bạc hơn 30 năm, nổi tiếng là tay sát cá. Ngày nào cũng vậy, sớm hừng đông là ông Út dong chiếc ghe nhỏ với mớ đồ nghề bắt tôm cá ra sông, nước lớn thì quăng chài, thả câu, nước ròng thì dở chà, kéo lưới. Từ sông Tiền qua sông Cổ Chiên, chỗ nào lắm tôm nhiều cá ông Út đều nhớ rõ như thuộc lòng bàn tay. Vậy mà đùng một cái ông Út tuyên bố nghỉ xả hơi, khiến ai nấy đều thắc mắc.
Gần cuối buổi cà phê, ông Út mới buồn buồn, kể: “Mấy ông biết không, hơn hai năm qua sông rạch ngày càng vắng bóng tôm cá. Mấy năm trước, mỗi lần tui quăng chài, kéo lưới đem lên khỏi mặt nước là tôm cá gỡ mỏi tay. Còn bây giờ, chài lưới kéo lên nhìn vô thấy toàn là… rác thải nhựa, từ chai lọ, ống hút đến đủ thứ bao, túi ni-lông; bới tìm đỏ mắt mới bắt được vài con cá, con tép, nên tui và nhiều bạn chài đã muốn bỏ nghề vì kiếm cái ăn ngày càng khó quá”.
Nghe chuyện ông Út, mấy ông bạn già đều đồng tình khi cho rằng hiện nay ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long nhìn đâu cũng thấy… rác thải nhựa đủ loại, điều mà 30-40 năm trước chưa từng có.
Ông Năm Cường, nhà vườn ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), kể: “Bây giờ ra chợ hay đến tiệm tạp hóa, mua món hàng lớn hay nhỏ đều được người bán cho vào cái túi ni-lông, đi một buổi chợ về nhà ai cũng lỉnh kỉnh cả chục túi đủ loại, đủ màu xanh đỏ. Lấy hàng ra là người ta gom hết túi ni-lông quăng cái xoạch xuống sông, xuống rạch, thế là xong.
Tui còn chứng kiến, nhiều du khách đi trên những chiếc đò du lịch sông nước uống xong chai nước là vứt cả chai lẫn ống hút xuống sông, túi ni-lông cũng vậy. Có lần tui hỏi người ta, sao quăng rác xuống sông mà không đốt bỏ trên bờ thì họ nhìn tui như… người ngoài hành tinh lạc xuống. Có người còn nói, đốt chai lọ, túi ni – lông thì hôi hám, khét lẹt chịu không nổi, nên quăng xuống sông rạch là… tốt nhất, để nước muốn trôi đi đâu thì trôi. Vậy nên lâu ngày những dòng sông, con rạch mới trở thành cái bãi rác tự nhiên của mọi người, ô nhiễm, hết tôm cá là lẽ đương nhiên”.
Trong khi đó ông Trường “văn hóa ấp” ra vẻ thời sự, cho biết hiện nay theo tính toán của các nhà khoa học thì Việt Nam được “vinh dự” xếp thứ tư trong 5 quốc gia có rác thải nhựa nhiều nhất thế giới với 730.000 tấn trôi ra biển mỗi năm, chưa kể số rác thải nhựa tồn lưu trên bờ.
“Theo ước tính thì mỗi ngày một gia đình ở Việt Nam thải ra môi trường 1 chiếc túi nhựa, đó là chưa kể chai, lọ nhựa, ống hút, nên một ngày có hàng triệu chiếc túi nhựa lớn nhỏ biến thành rác. Nhưng ít người biết rằng mấy cái loại chai nhựa, túi nhựa, ống hút phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm mới có thể phân hủy, nên người ta cứ vô tư xả thải ra môi trường, tự mình đầu độc môi trường sống của mình. Bây giờ từ thành thị đến nông thôn, từ trên bờ xuống dưới sông, đi đến đâu cũng nhìn thấy sự hiện diện của rác thải nhựa như trêu ngươi”, ông Trường nói.
Hoài niệm chiếc giỏ đệm
Chuyện ô nhiễm vì rác thải nhựa đang rôm rả thì ông Năm Cường chợt thở dài, buột miệng nói: “Sao tui nhớ chiếc giỏ đệm ngày xưa quá mấy ông ơi”, làm mọi người bần thần. Ông Năm Cường kể, hồi những năm 1960 – 1980, chiếc giỏ đệm đan bằng cọng cỏ bàng phơi khô là món đồ không thể thiếu trong mỗi gia đình ở miền Tây Nam bộ.
Hồi đó mấy bà, mấy cô đi chợ, trên tay ai cũng xách chiếc giỏ đệm bằng cỏ bàng, lớn hay nhỏ tùy theo việc ra chợ mua đồ nhiều hay ít. Từ chiếc giỏ đệm đi chợ, do điều kiện kinh tế khó khăn lúc đó, cọng cỏ bàng còn được các nghệ nhân đan lát sáng chế ra nhiều thứ phục vụ đời sống. Muốn phơi lúa, chỉ cần trải chiếc đệm bàng thật to ra giữa sân, sau khi phơi khô lúa thì chiếc đệm còn trở thành bàn tiệc: trải đệm dưới đất, thức ăn bày ở giữa, thực khách ngồi xếp bằng trên đệm lai rai, nhậu say có thể lăn ra đệm nằm ngủ thay chiếu. Chiếc đệm bàng loại nhỏ được các bà mẹ lót trên võng để em bé nằm ngủ, khỏi bị muỗi cắn lưng.
Thú vị nhất là vào những năm cuối thập niên 1970-1980, có nghệ nhân còn sáng chế ra chuyện đan cọng cỏ bàng thành những chiếc cặp học sinh xinh xắn, che được nước mưa khỏi làm ướt tập sách. Nhưng có một vật dụng đan từ cọng cỏ bàng khô rất nổi tiếng là chiếc nóp, từng đi vào âm nhạc với câu “nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng” trong nhạc phẩm Nam bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn. “Chiếc nóp được đan bằng cọng cỏ bàng, thực chất là một chiếc túi ngủ dã chiến, nhưng có thể ngăn được muỗi mòng trong chốn bưng biền miền Tây Nam bộ rất hiệu quả. Bây giờ có đốt đuốc đi tìm cũng khó kiếm được chiếc nóp ngày xưa”, ông Năm Cường nói.
Theo ông Năm Cường, sở dĩ ông nhớ tới chiếc giỏ đệm ngày trước bởi lẽ theo trí nhớ của ông thì chiếc giỏ đệm, chiếc đệm bàng hay bất kỳ vật dụng gì làm từ cọng cỏ bàng khi bị dơ đều có thể đem giặt sạch, phơi khô và dùng tiếp. Đến khi dùng lâu ngày bị hư, thủng thì người ta có thể ném chiếc giỏ bàng, chiếc đệm bàng ra gốc cây trong vườn, chỉ vài tháng sau là mục nát, tự phân hủy hết, không hề làm ô nhiễm môi trường.
“Từ khi công nghệ nhựa lên ngôi thì chiếc giỏ bàng và những vật dụng thân thiện làm từ cọng cỏ bàng ngày xưa cũng dần dần biến mất. Bây giờ chiếc túi nhựa chiếm ngôi vị độc tôn trong cuộc sống vì quá tiện lợi, nhưng nó cũng là… vua ô nhiễm”, ông Năm Cường ngao ngán nói.
Đang nghe chuyện của ông Năm Cường, ông Trường “văn hóa ấp” chợt chen ngang, kể: “Bây giờ ở huyện Tân Phước của tỉnh Tiền Giang, huyện Đức Huệ, Đức Hòa của tỉnh Long An và huyện Giang Thành của tỉnh Kiên Giang người ta vẫn còn trồng cỏ bàng, nhưng diện tích rất khiêm tốn, chủ yếu dùng để cung cấp nguyên liệu cho những xóm chuyên làm chiếu, vài cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Tui biết hiện nay ở vài địa phương người ta vẫn đan giỏ xách bằng cọng cỏ bàng, nhưng là loại giỏ khá lớn chuyên cung cấp cho dân chơi gà chọi dùng đựng gà, giá bán 20.000 đồng – 25.000 đồng/chiếc. Dân chơi gà lấy chiếc giỏ bàng, khoét vài lỗ thông hơi, cho con gà vào rồi dùng nhánh tre cài ngang miệng, có thể chở gà đi hàng trăm cây số mà con gà chọi vẫn… khỏe re.
Còn những chiếc giỏ bàng ngày xưa dùng để đi chợ thì hình như không ai sản xuất nữa, bởi lâu nay mấy bà nội trợ họ chê xách cái giỏ bàng dòm… nhà quê một cục. Hy vọng một ngày nào đó các bà nội trợ sẽ nhận ra chiếc túi nhựa lợi ít mà hại nhiều, rồi tự động quay về với chiếc giỏ đệm ngày xưa, bình dị mà thân thiện với môi trường”.
Theo Anh Hùng (Tạp chí Nông thôn Việt)