Đăng bởi Để lại phản hồi

Trẻ Bú Bình Có Thể Nuốt Hàng Triệu Hạt Vi Nhựa Mỗi Ngày

Trẻ bú bình có thể “nuốt” trung bình 1,6 triệu hạt vi nhựa/ngày trong 12 tháng đầu đời.

Các nhà khoa học phát hiện quy trình tiệt trùng bình sữa bằng nhựa dưới nhiệt độ cao như hiện tại cũng như pha sữa công thức đã khiến các bình sữa thải ra hàng triệu hạt vi nhựa và thậm chí cả nghìn tỉ hạt nhựa nano.

Bình sữa làm bằng chất polypropylene chiếm đến 82% trên các thị trường thế giới. Bên cạnh đó, polypropylene là một trong những dạng nhựa được sử dụng phổ biến nhất thế giới, và các cuộc kiểm tra sơ bộ của giới khoa học phát hiện các hộp chứa thực phẩm và ấm đun nước cũng tạo ra hàng triệu hạt vi nhựa/lít chất lỏng.

Gần đây, giới chuyên gia biết được hạt vi nhựa trong môi trường thâm nhập vào thực phẩm và thức uống của con người, nhưng cuộc nghiên cứu mới đã phát hiện quá trình chuẩn bị thực phẩm trong các đồ chứa bằng nhựa có thể khiến tình trạng phơi nhiễm vi nhựa cao hơn gấp hàng ngàn lần.

Giáo sư John Boland, thuộc trường Cao đẳng Trinity Dublin (Ireland), nơi tiến hành nghiên cứu, nói việc cần làm lúc này là nghiên cứu tác động của lượng lớn hạt vi nhựa đối với sức khỏe. Theo giáo sư, nhiều hạt vi nhựa sẽ bị thải ra ngoài theo phân, nhưng vẫn cần thêm nghiên cứu để biết bao nhiêu hạt vi nhựa có thể thâm nhập vào máu và đi đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Theo báo cáo mới đăng trên chuyên san Nature Food, đội ngũ chuyên gia của trường Cao đẳng Trinity Dublin (Ireland) đã tiến hành quy trình khử trùng bình sữa cho bé bú đối với 10 loại bình nhựa khác nhau.

Ban đầu, bình sữa được khử trùng ở nhiệt độ 95oC, kế đến cho bột sữa hòa với nước nóng 70oC trong bình.
Họ phát hiện cả hai công đoạn đều tạo ra rất nhiều hạt vi nhựa. Khi kết hợp với các dữ liệu khác ở 48 vùng lãnh thổ, chiếm ¾ dân số thế giới, các nhà nghiên cứu ước tính được trẻ bú bình có thể “nuốt” trung bình 1,6 triệu hạt vi nhựa/ngày trong 12 tháng đầu đời. Mỹ, Úc và các nước châu Âu có mức độ phơi nhiễm cao nhất, hơn 2 triệu hạt mỗi ngày.

 Các nhà nghiên cứu đề nghị những biện pháp cắt giảm số lượng hạt vi nhựa phát sinh trong quá trình chuẩn bị sữa công thức cho trẻ, chẳng hạn như đun nước trong ấm không làm bằng nhựa, pha sữa trong bình không làm bằng nhựa và rót sang bình sữa bình thường trước khi cho bé bú.
 Những giải pháp khác bao gồm dùng bình, chai thủy tinh, nuôi con bằng sữa mẹ.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Đăng bởi Để lại phản hồi

Loài Đom Đóm Đối Diện Nguy Cơ Tuyệt Chủng

Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí BioScience, các nhà khoa học tại Đại học Tufts ở bang Massachusetts (Mỹ) cho biết trên khắp thế giới có hơn 2.000 loài đom đóm – thực chất là côn trùng cánh cứng – chiếu sáng ở các vùng đầm lầy, đồng cỏ, rừng và công viên đô thị.Ngoài loài đom đóm Big Dipper đang sinh trưởng nhanh chóng ở Mỹ, các loài khác như sâu đóm ở miền Nam nước Anh, đom đóm phát sáng đồng bộ ở Malaysia và đom đóm ma xanh Appalachian, đều đang bên bờ tuyệt chủng do ‘dấu chân sinh thái’ không ngừng mở rộng của con người.

Theo các chuyên gia, trong số 10 nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của các loài đom đóm, mất môi trường sống là mối đe dọa hàng đầu đối với loài động vật nhỏ bé này ở khắp mọi nơi trên thế giới, ngoại trừ Đông Á và Nam Mỹ. Ở hai khu vực này, ánh sáng nhân tạo bị xem là mối đe dọa lớn nhất.

Hầu hết các loài đom đóm phát triển như ấu trùng trong gỗ mục nát, nền đất ở rìa ao, suối, và thậm chí ở dưới nước. Đom đóm là động vật tiêu biểu cho vùng ôn đới mặc dù phần lớn chúng sống ở vùng nhiệt và cận nhiệt đới (khoảng 2000 loài). Chúng chủ yếu được nhìn thấy trên các cánh đồng, rừng và đầm lầy. Môi trường ưa thích của chúng là nước ấm, ẩm ướt và gần nước, chẳng hạn như ao, suối và sông, hoặc thậm chí là những vùng đầm lầy. Đom đóm là những sinh vật có tập tính hoạt động về ban đêm (mặc dù có những loại sống vào ban ngày). Con đực thường có cánh, bay vào những đêm đầu mùa hạ và đa số đều có thể phát sáng ở bụng – đặc điểm nhận dạng chủ yếu của chúng trong đêm tối.

Dân số thế giới ngày càng tăng đồng nghĩa với việc môi trường sống của động vật nói chung và đom đóm nói riêng ngày càng bị thu hẹp. Chừng nào chúng ta còn tiếp tục biến những cánh rừng thành khu công nghiệp, những đồng cỏ thành khu dân cư, số lượng đom đóm sẽ càng suy giảm.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, USA Today

Đăng bởi Để lại phản hồi

Rừng Amazon Thải Ra Khí Nhà Kính Nhiều Hơn Lượng Hấp Thụ

Rừng nhiệt đới Amazon hiện đang thải ra hơn 1,1 tỷ tấn CO2/năm, theo đó, rừng này thải nhiều carbon hơn lượng khí nhà kính mà nó hấp thụ.

Đây là kết quả một nghiên cứu được công bố vào ngày 14/7 trên tạp chí Nature.

Thông thường, rừng hấp thụ một lượng lớn khí carbon dioxide (CO2) từ bầu khí quyển của Trái đất. Qua đó, rừng trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, con người có thể đã khiến Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, trở nên vô dụng và thậm chí có thể gây bất lợi cho cuộc chiến chống lại khí nhà kính.

Sự cân bằng giữa phát thải và hấp thụ khí carbon của rừng Amazon đã bị suy giảm do “quá trình gây xáo trộn quy mô lớn từ con người” trong hệ sinh thái Amazon, với các vụ cháy rừng do con người cố tình gây ra để lấy đất phục vụ nông nghiệp và công nghiệp. Những hành động kiểu này đã gây ra phần lớn lượng khí thải CO2 từ khu rừng. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, những đám cháy cũng góp phần vào vòng luẩn quẩn Trái đất ấm lên, khí nhà kính thải ra nhiều hơn khiến mùa khô ở Amazon kéo dài hơn và nóng hơn, dẫn đến nhiều vụ cháy rừng xảy ra hơn và ô nhiễm khí CO2 nhiều hơn.

Đặc biệt, phía Đông rừng Amazon, nơi số vụ phá rừng tăng cao trong 40 năm qua, trở nên nóng hơn, khô hơn và dễ xảy ra cháy rừng hơn so với phần còn lại của rừng nhiệt đới này. Kết quả là khu vực phía Đông thải ra lượng khí nhà kính nhiều hơn, trong khi có ít cây cối hơn để hút carbon thông qua quá trình quang hợp.

Vì thế, hạn chế nạn phá rừng, đặc biệt là tình trạng cháy rừng là chìa khóa để đảo ngược xu hướng nguy hiểm này ở Amazon.

Nguồn: VTV

Đăng bởi Để lại phản hồi

Chế Tạo Thành Công Hương Vani Từ Rác Thải Nhựa

Tờ The Guardian ngày 15.6 đưa tin các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh (Scotland) vừa dùng rác thải nhựa chế tạo thành công hương vani, loại hương liệu được dùng rộng rãi trong thực phẩm và mỹ phẩm.

Sử dụng một loại vi khuẩn biến đổi gen, họ đã biến rác thải nhựa thành một sản phẩm có giá trị, hứa hẹn giúp việc tái chế phế liệu nhựa trở nên hiệu quả và hấp dẫn hơn. Hiện vật liệu nhựa mất giá khoảng 95% sau khi sử dụng một lần. Việc thu gom và tái chế nguồn vật liệu này được xem là điều quan trọng giúp đối phó vấn nạn rác thải nhựa trên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu đã phát triển một enzyme để phá vỡ cấu trúc Polyetylen terephtalat có trong các chai nhựa, tạo thành chất cơ bản là axit terephthalic. Chất này sau đó được biến thành vani nhờ vi khuẩn E Coli biến đổi gien. Trong thí nghiệm, các nhà khoa học đã biến được 79% axit terephthalic thành vani. Bên cạnh ứng dụng trong thực phẩm và mỹ phẩm, hương vani còn được sử dụng rộng rãi trong dược phẩm, sản phẩm tẩy rửa và thuốc diệt cỏ.

Nhu cầu vani trên thế giới tăng dần và đạt 37.000 tấn vào năm 2018, vượt xa khả năng cung ứng của vani tự nhiên, được chiết xuất từ cây vani. Khoảng 85% vani trên thế giới hiện được tổng hợp bằng cách chiết xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Ước tính thế giới sử dụng khoảng 1 triệu chai nhựa mỗi phút và chỉ 14% được tái sử dụng.

Nguồn: Báo Thanh Niên