Đăng bởi Để lại phản hồi

Tác hại và giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa

Mỗi năm, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường – nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu – và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Sau khi đem lại tiện ích trong ít phút, những chiếc túi nilon, cốc nhựa, ống hút… sẽ bị vứt bỏ ra môi trường và phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy. Vì vậy, nếu không có những biện pháp cấp bách kịp thời, sự tồn tại của chúng trong tự nhiên sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như sức khỏe con người.

Tính trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Túi nilon hiện diện khắp nơi trong đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số chúng đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và đích đến cuối cùng phổ biến của chúng, không phải các cơ sở tái chế hay xử lý, mà là biển và đại dương, “góp phần” đáng kể vào hơn 8 triệu tấn nhựa mà dân cư toàn thế giới đổ ra đại dương mỗi năm!

Rác thải nylon đe dọa nghiêm trọng đến môi trường bởi rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên.

Rác thải nhựa, trong đó có túi nilon tấn công môi trường biển, không còn là mối đe dọa, mà đã thực sự gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Tác hại nguy hiểm nhất của rác nhựa chính là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật…

Hàng triệu tấn chất thải nhựa sẽ tiếp tục tồn tại hàng thế kỷ dưới đại dương, gây tổn thương hệ san hô, làm biến đổi môi trường sống và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Hiện nay, những “đại dương ngập rác” đã giết chết 1,5 triệu động vật mỗi năm và loài người vẫn chưa có giải pháp nào xử lý được. Chúng cũng làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, gây độc hại cho môi trường. Khi bị đốt, chúng tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan – những chất tồn tại lâu dài và kịch độc đối với sự sống.

Các mặt hàng khi bán thường được đựng trong núi nilon.

Với vô số hiểm họa tiềm tàng cũng như hiện hữu, nhưng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa vẫn tồn tại và tích tụ trên hành tinh, đã và đang dẫn loài người tới thảm họa “ô nhiễm trắng”, từng bước hủy diệt sự sống.

“Nếu bạn không thể tái sử dụng chúng, hãy từ chối chúng!”. Ông Erik Solheim, người đứng đầu của cơ quan môi trường Liên hợp quốc, đã kêu gọi người dân trên toàn thế giới cùng hành động để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. 

Rõ ràng, tác hại của nhựa và túi nilon đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, con người chưa thể dùng các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn loại vật liệu này. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon và các sản phẩm bằng nhựa đã gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân, được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi.

Những sản phẩm sản xuất thân thiện với môi trường.

Không thể thay thế, nhưng chúng ta có thể thay đổi. Các tổ chức môi trường quốc tế cũng như nhiều quốc gia đang kêu gọi người dân hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nilon. Trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Có thể sử dụng thay thế chúng bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường như: túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy, túi dệt từ sợi nilon sử dụng nhiều lần…

Tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa thúc đẩy sáng tạo. Ví dụ, chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát, hoặc làm đồ trang trí như ống cắm bút, chậu hoa… Việc tái chế này hoàn toàn đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà.

Một em nhỏ bơi trong bể tràn ngập chai nhựa, một biểu tượng của chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa đối với đại dương, tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang tích cực hành động mạnh mẽ. Về mặt luật pháp, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014), các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.

Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương.

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa; rà soát để đề xuất việc hoàn thiện các quy định, chính sách hiện hành nhằm hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường; phân loại rác tại nguồn; thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến, tái sử dụng, tái chế rác thải, rác thải nhựa; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là các địa phương có biển để triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường biển.

Mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy gạo” ở xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Các bộ, ngành, địa phương đã hiện thức hóa chủ trương, chính sách bằng nhiều chương trình, dự án giảm rác thải nhựa trên cả nước, hướng đến mục tiêu chung: toàn cầu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Tháng 6/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trong toàn dân. Từ đó, hàng loạt địa phương, đơn vị đã ban hành và triển khai hàng loạt chương trình hành động giảm thiểu, nói “không” với rác thải nhựa…

Chỉ sau 1 năm phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, những hành động nhỏ khắp nơi đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp. 

Dễ nhìn thấy nhất là tại các nhà hàng ăn uống, cửa hàng thời trang, nông sản… ở khắp nơi trên cả nước. Danh sách các cửa hàng xanh chia sẻ cam kết với môi trường ngày càng được nối dài với việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy hoặc sử dụng nhiều lần. Đặc biệt, nhiều cửa hàng giải khát đã dùng chai thủy tinh thay cốc nhựa, ống hút sản xuất từ mía, cỏ, giấy, inox, sử dụng cốc giấy cho sản phẩm mang đi…

Trong các trường học, bước đầu tạo thành ý thức cho mỗi học sinh nhờ việc không còn bắt buộc phải dùng giấy nilon bọc sách, vở. Học sinh đã biết đến tác hại của chất thải nhựa, tự rèn ý thức gọn gàng, giữ gìn sách, vở, đồ dùng học tập. Phong trào vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy… để đổi cây xanh hoặc cây trang trí được nhiều nơi thực hiện. 

Ra đến chợ, nhiều người thay đổi khi dùng làn, túi vải để giảm thiểu phải sử dụng túi nilon dùng một lần. Bà Trần Thị Thuyên (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Những người có tuổi như tôi cùng rủ nhau mang làn đi chợ, vừa đựng được nhiều đồ, vừa bớt được lượng túi nilon, giảm ô nhiễm môi trường. Tới đây, tôi được biết nếu xả rác thải nhiều sẽ phải trả nhiều tiền. Như thế, mình tiết kiệm dần là vừa”. 

Phụ nữ nhiều nơi thực hiện các sáng kiến, hành động phù hợp với điều kiện thực tế như phụ nữ Bến Tre vận động tiểu thương ở chợ cam kết hạn chế sử dụng túi nilon truyền thống và thay thế bằng túi nilon tự hủy sinh học. Phụ nữ Quảng Ninh hạn chế sử dụng rác thải nhựa dùng một lần, phân loại rác, tái chế, thu gom chai nhựa, túi nylon đã qua sử dụng để làm vật liệu xây dựng, ghế, bồn hoa sinh thái, túi xách, lẵng hoa, đồ chơi. Phụ nữ thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã tái chế được 2.500 thùng đựng rác sinh hoạt hợp vệ sinh từ những thùng xốp, thùng sơn cũ. 

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã “nói không với rác thải nhựa” bằng việc sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa tại hội nghị, hội thảo. Các địa phương đã chủ động, sáng tạo để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn với những mô hình “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Hãy cho cá xin rác thải nhựa”, “Thử thách dọn rác”, “Thử thách thay đổi”… lan truyền mạnh mẽ mang những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường. 

Thu Hạnh – Minh Nguyệt – Kỳ Thư (tổng hợp)
Ảnh: TTXVN
Trình bày: Quốc Bình