Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí BioScience, các nhà khoa học tại Đại học Tufts ở bang Massachusetts (Mỹ) cho biết trên khắp thế giới có hơn 2.000 loài đom đóm – thực chất là côn trùng cánh cứng – chiếu sáng ở các vùng đầm lầy, đồng cỏ, rừng và công viên đô thị.Ngoài loài đom đóm Big Dipper đang sinh trưởng nhanh chóng ở Mỹ, các loài khác như sâu đóm ở miền Nam nước Anh, đom đóm phát sáng đồng bộ ở Malaysia và đom đóm ma xanh Appalachian, đều đang bên bờ tuyệt chủng do ‘dấu chân sinh thái’ không ngừng mở rộng của con người.
Theo các chuyên gia, trong số 10 nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của các loài đom đóm, mất môi trường sống là mối đe dọa hàng đầu đối với loài động vật nhỏ bé này ở khắp mọi nơi trên thế giới, ngoại trừ Đông Á và Nam Mỹ. Ở hai khu vực này, ánh sáng nhân tạo bị xem là mối đe dọa lớn nhất.
Hầu hết các loài đom đóm phát triển như ấu trùng trong gỗ mục nát, nền đất ở rìa ao, suối, và thậm chí ở dưới nước. Đom đóm là động vật tiêu biểu cho vùng ôn đới mặc dù phần lớn chúng sống ở vùng nhiệt và cận nhiệt đới (khoảng 2000 loài). Chúng chủ yếu được nhìn thấy trên các cánh đồng, rừng và đầm lầy. Môi trường ưa thích của chúng là nước ấm, ẩm ướt và gần nước, chẳng hạn như ao, suối và sông, hoặc thậm chí là những vùng đầm lầy. Đom đóm là những sinh vật có tập tính hoạt động về ban đêm (mặc dù có những loại sống vào ban ngày). Con đực thường có cánh, bay vào những đêm đầu mùa hạ và đa số đều có thể phát sáng ở bụng – đặc điểm nhận dạng chủ yếu của chúng trong đêm tối.
Dân số thế giới ngày càng tăng đồng nghĩa với việc môi trường sống của động vật nói chung và đom đóm nói riêng ngày càng bị thu hẹp. Chừng nào chúng ta còn tiếp tục biến những cánh rừng thành khu công nghiệp, những đồng cỏ thành khu dân cư, số lượng đom đóm sẽ càng suy giảm.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, USA Today