Tuy không trực tiếp tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19, nhưng các công nhân vệ sinh môi trường luôn có mặt tại các bệnh viện, khu cách ly tập trung, khu phong tỏa để thu gom, vận chuyển, xử lý các loại rác thải, trong đó có rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Để đảm bảo an toàn cho những “chiến binh thầm lặng” này, công tác quản lý chất thải y tế từ khâu thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến xử lý đều phải tuân theo quy định chuyên biệt.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình
Đang là tâm dịch của cả nước khi mỗi ngày có hàng nghìn ca mắc mới, tại TP Hồ Chí Minh, không thực hiện theo quy trình thông thường, rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly sau khi tiếp nhận sẽ được nhân viên vệ sinh môi trường bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh, được phun xịt khử khuẩn trước khi đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng có khoang kín. Rác tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Tro chất thải sau khi đốt xong được hóa rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.
Các đơn vị thu gom đã thành lập Tổ kiểm tra để giám sát tình hình thu gom, xử lý rác tại điểm cách ly, điều trị; phối hợp theo dõi, kịp thời phát hiện điểm xảy ra ùn ứ, quá tải rác y tế có yếu tố dịch tễ để tổng hợp báo cáo ban giám đốc các công ty cùng Sở Tài nguyên và Môi trường; vận chuyển, xử lý nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Nếu có vấn đề phát sinh, các đơn vị cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp, bảo đảm không để tồn đọng rác làm ô nhiễm môi trường và hạn chế lây lan mầm bệnh.
Khi dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, phát sinh thêm nhiều điểm cần thu gom rác nguy hại, Thành phố tập trung bổ sung thêm đơn vị xử lý chất thải tham gia hỗ trợ, nâng công suất xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch lên mức tối đa. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất và được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý tăng cường thêm 3 đơn vị chuyên xử lý rác thải nguy hại liên quan đến COVID-19 gồm: Công ty Cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty Cổ phần Ðầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa.
Hiện công suất xử lý rác thải y tế của các công ty tại TP Hồ Chí Minh có thể đạt tối đa 120 tấn/ngày và các kịch bản xử lý đã được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm không để xảy ra tình trạng quá tải. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch phải được thực hiện bởi các cơ sở xử lý chất thải đã được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Bên cạnh đó, để xử lý kịp thời rác thải có yếu tố dịch tễ, tránh gây ảnh hưởng tới môi trường điều trị, không để tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thiết lập mạng lưới trực tuyến trên ứng dụng Zalo và Viber với hai nhóm gồm nhóm 1 là các khối đơn vị quản lý, nơi phát sinh nguồn thải và đơn vị thu gom; nhóm 2 gồm đại diện các khu cách ly và lãnh đạo sở. Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo hằng ngày việc xử lý chất thải nguy hại phát sinh do dịch bệnh cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, khi có sự cố, vướng mắc, các đơn vị sẽ tương tác ngay và tìm cách tháo gỡ kịp thời.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh đang vận hành 24/24h cả 3 lò đốt nhiệt độ cao theo công nghệ hiện đại, công suất 42 tấn/ngày nhằm xử lý nhanh, kịp thời chất thải phát sinh do dịch. Công ty cùng các đơn vị đồng hành đã thống nhất thu gom dựa theo lượng rác phát sinh, nơi phát sinh nhiều sẽ thu gom 5-6 lần/ngày, nơi lượng rác ít thu gom một lần/ngày. Ngoài ra, để công tác thu gom nhanh, tiện lợi, những nơi có lượng rác ít, các đơn vị thu gom bố trí thùng nhựa loại 240 lít, nơi có lượng rác lớn ngoài thùng nhựa sẽ bố trí thêm xuồng lớn, dễ dàng đưa rác lên xe ép.
Với số bệnh nhân COVID-19 tăng nhanh, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch. Toàn bộ chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tại cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly y tế tập trung, điểm/khu vực phong tỏa được thu gom, lưu chứa trong các thùng chứa chất thải có thành cứng, nắp đậy, chịu được va đập để không lây nhiễm. Sau đó, rác thải được Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương sử dụng phương tiện chuyên dụng vận chuyển về Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương xử lý bằng phương pháp thiêu đốt trong lò đốt chất thải y tế, lò đốt chất thải nguy hại theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương cho biết, Công ty đã được đầu tư các máy móc hiện đại, bảo đảm đầy đủ chức năng để tiếp nhận và xử lý các chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Công suất tối đa xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại của Công ty là 300 tấn/ngày. Công ty đang thu gom, xử lý chất thải do dịch COVID-19 với khối lượng khoảng 40 tấn/ngày, chỉ bằng 13,3% so với năng lực xử lý được cấp phép.
Trên địa bàn tỉnh còn có 5 đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép có chức năng xử lý chất thải nguy hại và chất thải y tế. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng đã có văn bản hướng dẫn và đề nghị 5 đơn vị trên chủ động, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị… phối hợp cùng Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương xử lý rác thải trong kịch bản dịch bệnh COVID-19 leo cao.
Tại Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại các đơn vị đã phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh ở các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với Sở Y tế tăng cường kiểm tra việc thực hiện quản lý chất thải phát sinh tại các cơ sở y tế, khu điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh rà soát, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc và những hạn chế tại các khu xử lý chất thải theo quy hoạch đã được duyệt; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tái chế và tái sử dụng chất thải nhằm hạn chế chôn lấp chất thải ra môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng Đề án quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị làm việc với đơn vị thu gom, xử lý chất thải y tế không làm phát tán ra cộng đồng.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài chính tham mưu về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phương tiện, nhà máy, công nghệ xử lý chất thải; Sở Xây dựng đánh giá lại quy hoạch quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố quan tâm thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, đặc biệt chất thải y tế trên địa bàn.
Tại Đà Nẵng, quy trình thu gom, xử lý rác thải liên quan đến dịch COVID-19 cũng được khép kín. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã có Công văn yêu cầu các cơ sở y tế, khu vực cách ly tập trung, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn thành phố tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ, chuyển giao, vận chuyển và xử lý chất thải đảm bảo theo quy định.
Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố thành lập Tổ công tác ứng phó, xử lý môi trường trong phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố thực hiện chuyển giao toàn bộ các chất thải là vỏ lọ vaccine COVID-19, vaccine hỏng hoặc hết hạn sử dụng phát sinh từ các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn cho các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng phù hợp theo danh sách đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố để xử lý tiêu huỷ, không làm thất thoát ra bên ngoài.
Tại Hà Nội, theo Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (URENCO-13), so với thời kỳ chưa có dịch bệnh thì tổng lượng rác phát sinh tăng khoảng 30%, tiếp nhận xử lý khoảng 7,5 tấn/ngày. Quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý đều được tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp. Công ty đã tăng mạnh tần suất thu gom rác tại các khu cách ly nhằm đảm bảo ngăn chặn mầm bệnh một cách sớm nhất. Với một số khu vực đặc biệt nguy hiểm, có thời điểm, rác được thu gom về khu vực tập kết rác nguy hại theo chu kỳ 30 phút/lượt. URENCO-13 đã tăng ca xe chở rác từ hai ca lên thành ba ca. Hệ thống xử lý rác tại nhà máy cũng tăng cường lên từ 5 giờ lên 8 giờ/ngày để xử lý chất thải liên quan đến COVID-19. Khâu vận chuyển rác về nhà máy để xử lý được tính toán kỹ để có cung đường tối ưu nhất, tránh tối đa đi qua khu vực dân cư, nơi tập trung đông người.
“3 tại chỗ” để phòng, chống dịch
Do đặc thù công việc, những công nhân vệ sinh môi trường luôn phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro, nguy hiểm tới sức khỏe, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (CITENCO) cho biết, để công tác thu gom rác tại các khu vực cách ly được thông suốt, tránh tình trạng ứ đọng rác, gây nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, CITENCO đã bố trí thường trực một đội gồm hơn 300 công nhân hoạt động với tần suất 3 ca/ngày và 24/24 giờ. Nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân, CITENCO đã trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân và tập huấn các nguyên tắc, quy định về phòng dịch ở từng khu vực, vị trí làm việc. Tuy nhiên, do lượng rác phải thu gom quá lớn, các điểm thu gom cách nhau xa và thời gian thu gom gấp rút nên đã gây áp lực rất lớn đối với công nhân. Nhiều người đã ở lại luôn chỗ làm nhiều ngày không về nhà.
Anh Triều Phước An, công nhân Công ty CITENCO chia sẻ, để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và hàng xóm nên công nhân thường chọn cách ở lại công ty và chỉ về nhà sau khoảng 20 ngày kể từ ngày ngưng tiếp nhận công việc. Điều mà mỗi công nhân mong muốn là người dân cùng chung tay với ngành môi trường thành phố, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và các quy định của Chính phủ, của Thành phố để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đây cũng là cách để giúp lực lượng công nhân vệ sinh môi trường sớm hoàn thành nhiệm vụ, được về với gia đình.
Theo ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương, riêng Chi nhánh xử lý chất thải thuộc Công ty có khoảng 800 lao động. Rác được đưa về Công ty đều có máy móc chuyên dụng, hệ thống dây chuyền tự động tiếp nhận, khử khuẩn xử lý đốt, không sử dụng lao động thủ công. Tuy nhiên, khâu nguy hiểm nhất là công nhân phải đi thu gom rác. Vì vậy, ngoài việc cung cấp đồ bảo hộ thường xuyên, tổ chức “3 tại chỗ”, Công ty còn định kỳ kiểm tra SARS-CoV-2, khử khuẩn khu vực làm việc và nơi ở cho người lao động 3 lần/ngày.
Tại vùng dịch Hà Nội, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (URENCO-13) Tống Việt Dũng cho biết, để đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt an toàn cho người lao động trực tiếp, lãnh đạo Công ty luôn chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến cho người lao động về việc đảm bảo an toàn trong công việc, đi đôi với cung cấp đầy đủ các thiết bị lao động để anh chị em yên tâm công tác. Công ty cũng đảm bảo nguyên tắc “3 tại chỗ” cho công nhân tại nhà máy.
Chị Lê Thị Linh, nhân viên Tổ trung gian (URENCO-13) cho biết: “Với nhiệm vụ phân loại rác thải, tôi được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, được công ty tạo điều kiện để ăn nghỉ tại nhà máy. Tôi đã ở tại Công ty một tháng, được tiêm vaccine mũi 1 và mong muốn được tiêm đủ 2 mũi vaccine.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đang phải làm nhiệm vụ thu gom rác trực tiếp tại khu vực có người lây nhiễm COVID-19 trên cả nước, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa dịch lây lan. Do đó, họ cần được xếp vào nhóm tuyến đầu chống dịch, đồng thời cần được nhìn nhận là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Rác thải ở những địa phương có ca mắc hoặc có nguy cơ mắc COVID-19 cao, cũng như các khu đang bị phong tỏa, cách ly cần được phân loại cẩn thận, sẽ giúp công tác thu gom nhanh và dễ dàng hơn, giảm áp lực cho công nhân và các nhà máy xử lý.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, công nhân đi thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại phải làm việc liên tục, thường xuyên, hằng ngày. Đây là đối tượng nguy cơ rất cao bị lây nhiễm COVID-19. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kiến nghị nên xét nghiệm thường xuyên và phải được tiêm vaccine đủ 2 mũi cho đối tượng này để đảm bảo yêu cầu công việc và an toàn cho người lao động. Ngoài ra phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân, đội thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý rác thải, tránh tác động đến tâm lý và sức khỏa của công nhân.
Phần cuối: Liên kết xử lý, tránh bị động
Nhóm phóng viên TTXVN